Nhóm 2: VẬN CHUYỂN HÀNG RỜI (CHỦ ĐỀ 2) (15/05/2021)
NHÓM 2: VẬN CHUYỂN HÀNG RỜI
CHỦ ĐỀ 2: QUY TRÌNH GIAO NHẬN TẠI CẦU TÀU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHI LÀM HÀNG RỜI

        Cảng Cái Lân có 7 cầu tàu, tuy nhiên cảng Quảng Ninh tập trung khai thác cầu tàu số 5, số 6 và số 7 với tổng chiều dài là 680m.Cầu tàu số 5, số 6 và số 7 được đưa vào khai thác từ năm 2004. Sau khi hoạt động hơn chục năm, cảng bắt đầu chuyển đổi, tập trung khai thác hàng rời. 
QUY TRÌNH GIAO NHẬN HÀNG TẠI CẦU TÀU
1. ĐỐI VỚI HÀNG NHẬP KHẨU
        Nếu hàng lưu kho tại cảng:
- Trước khi dỡ hàng, tàu hoặc đại lý phải cung cấp cho cảng bản lược khai hàng hoá (Cargo Manifest), sơ đồ hầm tàu để cảng và cơ quan chức năng khác như hải quan, điều độ, cảng vụ tiến hành các thủ tục cần thiết và bố trí phương tiện làm hàng.
- Cảng và đại diện tàu tiến hành kiểm tra tình trạng hầm tàu. Nếu phát hiện thấy hàm tàu ẩm ướt, hàng hoá bị lộn xộn hay hư hỏng, mất mát phải lập biên bản để hai bên cùng ký. Nếu tàu không chịu ký vào thì mời cơ quan giám định lập biên bản mới tiến hành dỡ hàng.
 - Thực hiện dỡ hàng và xếp hàng lên phương tiện vận tải để đưa vào kho theo phiếu vận chuyển và ghi rõ số lượng, loại hàng và số B/L, chờ chủ hàng đến lấy. Trong quá trình dỡ hàng đại diện tàu cùng cán bộ giao nhận cảng kiểm đếm và phân loại hàng hoá cũng như kiểm tra về tình trạng hàng hoá và ghi vào Taly Sheet.
- Cuối mỗi ca và sau khi xếp xong hàng, cảng và đại diện tàu đối chiếu số lượng hàng hoá giao nhận và cùng ký vào Tally Sheet.
- Lập ROROC trên cơ sở Tally Sheet. Cảng và tàu đều ký vào biên bản kết toán này, xác nhận số lượng thực giao so với bản lược khai hàng và B/L.
- Lập các giấy tờ cần thiết trong các quá trình giao nhận như giấy chứng nhận hư hỏng (COR) nếu hàng bị hư hỏng hay yêu cầu tàu cấp phiếu thiếu hàng (CSC), nếu tàu giao thiếu.
        Nếu hàng không lưu kho mà giao thẳng cho xe:
Trước khi nhận hàng, chủ hàng phải hoàn tất các thủ hải quan và trao cho cảng B/L, lệnh giao hàng (D/O). Sau khi đối chiếu với bản lược khai hàng hoá, cảng sẽ lên hoá đơn cước phí bốc xếp và cấp lệnh giao hàng thẳng để chủ hàng trình cán bộ giao nhận hàng.
Người giao nhận tại cầu tàu kiểm tra đầy đủ các thông tin trên phiếu cân: tên chủ hàng, loại hàng, biển số xe,...xem người nhận hàng có lấy hàng đúng không, để xác nhận lại chứ không thực hiện cân hàng. 
Sau khi nhận hàng, chủ hàng và giao nhận cảng cùng ký bản tổng kết giao nhận và xác nhận số lượng hàng hoá đã giao nhận bằng phiếu giao hàng kiêm phiếu xuất kho. 
2. ĐỐI VỚI HÀNG XUẤT KHẨU
        a, Hàng xuất khẩu phải lưu kho, bãi của cảng
        Giao hàng xuất khẩu cho cảng:
Chủ hàng nộp các giấy tờ có liên quan, đăng ký lưa kho, lên phương án xếp dỡ, báo cáo hải quan và đem hàng đến kho.
        Giao hàng xuất khẩu cho tàu:
- Chuẩn bị trước khi giao hàng cho tàu:
+ Kiểm nghiệm, kiểm dịch (nếu cần), làm thủ tục hải quan.
+ Báo cho cảng ngày giờ dự kiến tàu đến (ETA), chấp nhận thông báo sẳn sàng.
+ Giao cho cảng danh mục hàng hoá xuất khẩu để bố trí phương tiện xếp dỡ. Trên cơ sở Cargo List này, thuyền phó phụ trách hàng hoá sẽ lên sơ đồ xếp hàng (Cargo plan).
+ Ký hợp đồng xếp dỡ với cảng.
- Tổ chức xếp và giao hàng cho tàu:
+ Trước khi xếp phải vận chuyển hàng từ kho ra cảng, lấy lệnh xếp hàng, ấn định số máng xếp hàng, bố trí xe, công nhân và người áp tải (nếu cần).
+ Tiến hành giao hàng cho tàu. Việc xếp hàng lên tàu do công nhân cảng làm. Hàng sẽ được giao lên tàu dưới sự giám sát của đại diện của hải quan. trong quá trình giao hàng, nhân viên kiểm đếm cảng phải ghi số lượng hàng giao vào final Report. Phía tàu cũng có nhân viên kiểm đếm và ghi vào Tally Sheet.
+ Khi giao nhận một lô hoặc toàn tàu, cảng phả lấy biên lai thuyền phó (Mate's Receipt) để lập vận đơn. sau khi xếp hàng lên tàu, căn cứ vào số lượng hàng đã ghi trong Tally Sheet, cảng sẽ lập bảng tổng kết xếp hàng lên tàu (General Loading Report) và cùng ký xác nhận với tàu. Đây cũng là cơ sở để lập B/L.
- Lập bộ chứng từ thanh toán.
        b, Hàng hoá không lưu kho, bãi tại cảng:
Chủ hàng sẽ vận chuyển trục tiếp lô hàng xuất khẩu từ kho của mình đến tàu. Các bước giao nhận cũng diễn ra như đối với hàng qua cảng. Sau khi đã đăng ký với cảng và ký hợp đồng xếp dỡ, hàng cũng sẽ được giao nhận trên cơ sở tay ba (cảng, tàu và chủ hàng). Số lượng hàng hoá sẽ được giao nhận, kiểm đếm và ghi vào Tally Sheet có chữ ký xác nhận của ba bên.
Các chứng từ giao nhận hàng hóa
- Vận đơn đường biển (B/L)
- Lệnh giao hàng (D/O)
- Chứng từ giao nhận cầu tàu: căn cứ lệnh giao hàng, lược khai hàng hóa... các bên tiến hành giao nhận theo số lượng, chủng loại từng loại hàng trên cơ sở các phơi phiếu kiểm đếm hàng được lập theo từng ca và có xác nhận của các bên: tàu – cảng – người nhận hàng
- Các loại biên bản
+ Biên bản kết toán giao nhận hàng với tàu (ROROC)
+ Giấy chứng nhận hàng hư hỏng, đổ vỡ (COR)
+ Phiếu thiếu hàng (CSC)
Nhân viên giao nhận tại cầu tàu cần quan tâm đến các loại giấy tờ liên quan đến kiểm soát phương tiện làm hàng, danh sách phương tiện làm hàng, các phơi phiếu giao nhận, các mẫu biên bản để kiểm soát các phương tiện làm hàng có đúng tàu, đúng máng, loại hàng, vận đơn, ngoài ra còn kiểm soát an toàn hàng hóa, an toàn vệ sinh lao động.
        Lý do cảng Cái Lân chuyển đổi từ làm hàng container sang hàng rời là gì?
Cảng Quảng Ninh, khu vực Cái Lân là khu vực hậu cần cho Cảng Hải Phòng. Hiện nay, cảng Quảng Ninh còn gặp nhiều bất cập. Dù đã đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng, cụm cảng tuy nhiên đến nay vẫn chưa khai thác được hiệu quả. Hệ thống đường sắt kết nối cảng Cái Lân với các tỉnh, thành phố phía Bắc vẫn còn dang dở, dẫn đến khoảng cách từ cảng ở Quảng Ninh đi các tỉnh phía Bắc còn dài hơn so với Hải Phòng. Cảng Cái Lân được lựa chọn để làm hàng của các tàu có trọng tải lớn, đưa tới giá trị thuế thu cao, tuy nhiên hạ tầng bến bãi lại chưa đáp ứng đủ.  Các tàu cỡ lớn kết nối nhiều nước qua cảng Cái Lân mới chỉ có hàng nhập về, thực hiện bốc dỡ và chuyển tải chứ chưa có nguồn hàng quay đầu để xuất sang các nước trong lộ trình. Nếu chạy rỗng sẽ khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Ngoài ra, khó khăn khác về thủ tục hải quan, một số chính sách địa phương hay sự quen thuộc của khách hàng, hậu cần tại cảng chưa có cũng là lý do khiến cảng phải chuyển từ làm hàng container sang làm hàng rời.
        Việc chuyển đổi công năng từ khai thác hàng container sang hàng rời, cảng gặp phải những khó khăn gì?
Khi chuyển đổi công năng từ khai thác hàng container sang hàng rời, cầu tàu số 7 gặp rất nhiều khó khăn. Cảng phải thay đổi phương thức giao nhận cũng như nguồn nhân lực. Chuyển sang hàng rời tốn nhiều nhân lực hơn hàng container, doanh thu cũng không cao như hàng container. Số lượng nhân công phụ thuộc vào từng loại hàng. Đối với hàng nông sản, nhân công 1 ca khoảng 50 người. Trong trường hợp đóng gói sẽ tốn thêm 10 người làm 1 phễu. Tuy nhiên cảng cũng có một số thuận lợi trong việc xếp dỡ, do đó mà có thể giảm được chi phí làm hàng rời.
        Về tương lai, cảng Cái Lân sẽ có định hướng gì để phát triển cầu tàu?
Trong tương lai, nếu tuyến hậu cần phát triển, cảng Cái Lân dự định sẽ đầu tư thêm 2 cầu tàu, đó là cầu tàu số 8 và cầu tàu số 9, kéo dài khoảng 200m trong giai đoạn 2020 – 2025, tập trung vào khai thác hàng cont để có thể tận dụng được lời thế của cảng là cảng nước sâu.
Để thu hút được khách hàng, khả năng tiếp thị và sự phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ là rất cần thiết.
Nguyễn Hoàng Minh Hậu - LQC59ĐH

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

KHO CFS TẠI CÔNG TY TNHH YUSEN LOGISTICS (VIỆT NAM) (29/12/2023)
Sáng ngày 6/12/2023 vừa qua, CLB Kết nối Doanh nghiệp Khoa Kinh tế cùng với thầy Trần Hải Việt đã có chuyến tham quan thực tế  đầy thú vị và bổ í...

Kho Ngoại quan và kho Tổng hợp tại Công ty TNHH Yusen Logistics (Việt Nam) (29/12/2023)
Vào sáng ngày 6/12/2023 vừa qua, CLB Kết nối Doanh nghiệp Khoa Kinh tế Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Yusen Logistics (Việ...

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KNDN CỦA KHOA KINH TẾ (06/11/2023)
Vào sáng ngày 28/10/2023,  Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã diễn ra  hội nghị “Tổng kết chương trình Kết nối Doanh nghiệp năm học 2022-2023” với sự...

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT KẾT NỐI DN KHOA KINH TẾ (06/11/2023)
TỌA ĐÀM CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI DOANH NGHIỆP I. LỜI MỞ ĐẦU       Vào sáng ngày 28/10/2023 vừa qua, tại p...