SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG LẤY ĐÂU RA KINH NGHIỆM? (13/10/2020)

SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG LẤY ĐÂU RA KINH NGHIỆM?

Sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường thì không thể kiếm đâu ra kinh nghiệm làm việc, mà trong khi đó dường như khi các doanh nghiệp tuyển nhân sự thì đều có yêu cầu về kinh nghiệm ít nhất 1 năm? Vậy có nghịch lý quá không? Làm sao để sinh viên có thể có kinh nghiệm khi chỉ mới ra trường?

Đây có thể nói là một vấn đề “đau đầu” đối với hầu hết các sinh viên mới ra trường.

Đầu tiên, hãy thử đặt ra câu hỏi rằng: “Tại sao doanh nghiệp lại muốn tuyển nhân sự đã có kinh nghiệm?”

-     Thứ nhất, tuyển nhân viên có kinh nghiệm bạn không mất thời gian đào tạo họ, để họ quen với công việc. Trung bình một nhân viên mới, thời gian để hòa nhập môi trường làm việc, và nắm công việc một cách cơ bản cần 3 đến 4 tháng, có thể lâu hơn tùy tính chất công việc và tùy vào trình độ của người tiếp nhận. Đối với người đã có kinh nghiệm tốt, bạn cũng cần khoảng 2 tuần để hòa nhập trọn vẹn với công việc mới. Do đó công ty sẽ không phải mất quá nhiều công sức, chi phí và thời gian để đào tạo một nhân viên mới.

-     Thứ hai, vì vấn đề nhảy việc hiện nay rất nhiều, nhất là ở cộng đồng trẻ. Điều đó cho thấy nhà tuyển dụng không có lý do tin tưởng vào sự gắn bó của bạn với công ty. Một bạn trẻ mới ra trường vào một doanh nghiệp thường 3, 4 tháng là muốn nhảy việc qua chỗ khác làm, lãng phí gần 2 tháng hướng dẫn, hòa nhập công việc của doanh nghiệp (chi phí cơ hội + chi phí lương). Nhưng 1 người có kinh nghiệm và làm lâu năm thì thường vào đơn vị nào là họ làm rất lâu. Một phần cũng vì cần tiền để lo gia đình, cuộc sống nên có trách nhiệm hơn, uy tín hơn. Thấy một bạn sinh viên đang học đầy tiềm năng, tuyển về training chỉnh chu xong, vào làm được 1-2 tuần là xin NGHỈ, với đủ mọi lý do nào là thấy không phù hợp, hay công việc quá khó so với năng lực của bản thân,... Hay thậm chí các bạn thấy công ty kia cũng công việc tên giống mình nhưng offer lương họ đưa ra lại cao hơn so với bên các bạn đang làm, và các bạn nhảy việc. Mọi người đều nghĩ chi phí tưởng không mất gì, nhưng thực ra đối với doanh nghiệp thiệt hại là rất lớn. Họ mất thời gian, công sức để đào tạo lên một nhân viên.

Như anh Tiến, trưởng phòng nhân sự của Bee Logistics cũng cho biết: “Với bản thân anh là một người nhận nhiệm vụ training cho nhân viên, khi đã xác định nhận một nhân viên để vào thực tập, thì công ty sẽ dốc lòng, dốc việc để dạy cho sinh viên các kinh nghiệm mà mình có. Đến khi các em làm được khoảng 2-3 tháng, thì thấy rằng bên kia offer lương cao hơn, hay Bee đường đi lại xa hơn thì bắt đầu nhảy việc mà không nghĩ rằng Bee đã nâng đỡ, đào tạo các em từ ngày đầu, Bee đã mất rất nhiều thời gian.”

 Vậy đối với một sinh viên sắp ra trường cần phải làm gì để tích lũy cho mình kinh nghiệm khi nhà tuyển dụng yêu cầu?

1.       Thực tập

Đa số sinh viên đều xem nhẹ những kỳ thực tập, đặc biệt là thực tập năm cuối. Các bạn cứ nghĩ đấy chỉ như là một thủ tục, đến để xin con dấu, tài liệu viết báo cáo là xong. Nhưng lại không biết rằng điều này lại thực sự quan trọng, nó góp phần “làm đầy” CV của bạn, giúp bạn học hỏi được những kinh nghiệm chuyên môn thực tế nếu biết tận dụng tốt kỳ thực tập.

Tâm lý các sinh viên đi thực tập sẽ cho rằng đi thực tập những chuỗi ngày làm “chân sai vặt”, bưng trà rót nước và chẳng có bài học kinh nghiệm khi đi thực tập nào được rút ra. Trên thực tế, khó mà phủ định điều này nhưng việc hoàn toàn không học được gì có phần nhiều lỗi là do thói bị động của một bộ phận sinh viên. Người hướng dẫn bạn không những phải hoàn thành công việc của họ mà còn phải dành thời gian ra để chỉ bảo cho bạn, vì vậy hãy chủ động. Hãy chủ động hỏi, chủ động làm quen với môi trường, chủ động nhận những công việc trong khả năng. Việc bạn tỏ ra chủ động, nhiệt huyết với công việc sẽ được ghi nhận, bạn sẽ dần nâng cao vai trò của mình và nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía công ty. Đó là cách tự tạo ra cơ hội cho chính mình.

Kinh nghiệm bạn cần có không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm làm việc mà còn rất nhiều kinh nghiệm khác cần phải học hỏi từ những anh chị đi trước về cách quản lý thời gian, công việc và giải quyết những áp lực khi công việc quá tải, .... Khi bạn thực tập hết mình, nhiệt tình trong công việc thì sẽ không ai từ chối giúp đỡ khi bạn cần trong quá trình thực tập và làm báo cáo. Biết đâu bạn sẽ được ký hợp đồng trở thành nhân viên chính thức sau thời gian thực tập. Hãy xem kỳ thực tập là cơ hội và đừng để cơ hội trôi qua cách vô ích.

Hiện nay, Trường Đại học Hàng Hải nói chung và Khoa Kinh tế nói riêng đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp thông qua các cuộc phỏng vấn tuyển thực tập sinh, và tập huấn thực tập cho sinh viên năm cuối được tổ chức thường xuyên hơn nhằm giúp sinh viên có cơ hội được thực tập đúng chuyên ngành của mình và tích lũy được kinh nghiệm thực tế trước khi ra trường.

2.       Hãy tự tin vào bản thân kể cả khi bạn chưa có kinh nghiệm

Không phải công ty nào cũng chỉ tuyển nhân viên đã có kinh nghiệm, có rất nhiều các công ty sẵn sàng tuyển nhân viên chưa kinh nghiệm, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường để đào tạo. Nhưng không vì thế mà chúng ta – những sinh viên sắp ra trường không cần tích lũy kinh nghiệm.

Trong buổi phỏng vấn ngày 7/10 tại Công Ty Bee Logistics chi nhành Hải Phòng, anh Tiến- trưởng phòng Nhân sự cho biết: “Giữa ứng cử viên A và ứng cử viên B. Người A, anh chị hỏi cái gì em trả lời cái đấy, rất ngoan ngoãn nghe lời. Còn người B, từ khi bắt đầu cuộc phỏng vấn bạn ấy đã rất chủ động không cần để nhà tuyển dụng phải hỏi bất cứ một vấn đề nào khác. Bạn đã tự giới thiệu bản thân, tự nói được thế mạnh của mình và cần học hỏi điều gì, hay tự đưa ra các định hướng, cách giải quyết cho một tình huống nhất định. Và cái quan trọng nhất của một cuộc phỏng vấn đó là “ấn tượng””.

Ngay từ đầu khi mà nhà tuyển dụng đưa ra yêu cầu tuyển dụng mà không cần kinh nghiệm, nên chắc chắn việc kinh nghiệm của ứng viên như nào là không quan trọng. Vì vậy cách thức thể hiện của ứng viên là việc rất quan trọng.

Cái thứ hai, nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận về khả năng ngoại ngữ. Nếu bạn muốn vào một công ty Logistics ở vị trí DOCS, CUS hay vị trí hàng nhập, hàng xuất, hàng Air,… thì điều kiện Tiếng Anh nó là điều kiện tiên quyết. Cho dù bạn có chủ động, có để lại ấn tượng tốt nhưng khả năng ngoại ngữ lại không tốt thì cũng không được đánh giá cao. Vì vậy cần phải dung hòa giữa các kĩ năng.

Anh Tiến cũng cho biết rằng: “ Sau khi tuyển dụng xong, các trưởng bộ phận đều cân đong đo đếm chọn ứng viên nào. Hầu hết mọi người “thích” chọn những ứng viên chủ động trong cách tiếp cận.” Điều đó cho thấy việc bạn chủ động, có những kĩ năng mềm tốt, và tự tin về bản thân mình là điều rất quan trọng trong việc thu hút các nhà tuyển dụng khi mà kinh nghiệm của bạn chưa tốt.

Tóm lại, có được tấm bằng đại học không phải là điều kiện đủ để bạn có thể có được một công việc như ý, nhưng đó cũng là cơ hội để bạn đạt được một vị trí mong muốn. Hãy bỏ cái suy nghĩ rằng "mình không có kinh nghiệm". Biết mình, biết ta là rất tốt, nhưng hãy tự nghĩ và tự hỏi bản thân rằng “Mình CÓ những gì? Còn THIẾU gì?” Vì vậy hãy tận dụng tốt thời gian để tích lũy kiến thức thực tế, trau dồi kĩ năng mềm để không phải “ngại” bất cứ một vị trí nào mà mình muốn.

Hi vọng bài viết có thể giúp ích cho các bạn sinh viên trong việc định hướng cho mình! Chúc tất cả mọi người có thể đạt được một công việc, vị trí mà mình mong muốn.

Tác giả: Đồng Thị Minh Ánh KTN59ĐH

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

KHO CFS TẠI CÔNG TY TNHH YUSEN LOGISTICS (VIỆT NAM) (29/12/2023)
Sáng ngày 6/12/2023 vừa qua, CLB Kết nối Doanh nghiệp Khoa Kinh tế cùng với thầy Trần Hải Việt đã có chuyến tham quan thực tế  đầy thú vị và bổ í...

Kho Ngoại quan và kho Tổng hợp tại Công ty TNHH Yusen Logistics (Việt Nam) (29/12/2023)
Vào sáng ngày 6/12/2023 vừa qua, CLB Kết nối Doanh nghiệp Khoa Kinh tế Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Yusen Logistics (Việ...

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KNDN CỦA KHOA KINH TẾ (06/11/2023)
Vào sáng ngày 28/10/2023,  Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã diễn ra  hội nghị “Tổng kết chương trình Kết nối Doanh nghiệp năm học 2022-2023” với sự...

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT KẾT NỐI DN KHOA KINH TẾ (06/11/2023)
TỌA ĐÀM CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI DOANH NGHIỆP I. LỜI MỞ ĐẦU       Vào sáng ngày 28/10/2023 vừa qua, tại p...